THỊ TRẤN DÙNG TỔ CHỨC LỄ TẾ THẦN CAO SƠN CAO CÁC TẠI ĐỀN CẢ!

Thứ hai - 10/03/2025 15:31
Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” hôm nay ngày 10 tháng 3 năm 2025 (nhằm vào ngày 11/02/Ất Tỵ) tại Thánh Điện Đền Cả. Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ thị trấn Dùng cùng muôn dân trăm họ long trọng tổ chức Lễ tế Thần Cao Sơn Cao Các!
THỊ TRẤN DÙNG TỔ CHỨC LỄ TẾ THẦN CAO SƠN CAO CÁC TẠI ĐỀN CẢ!
Về dự buổi lễ tế thần ở huyện có đại diện Trung tâm văn hóa thông tin và truyền thông huyện về dự và đưa tin. Ở thị có các đồng chí: Trình Văn Bằng – Bí thư Đảng ủy; Tưởng Đăng Hào – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND; Nguyễn Hữu Văn – Phó bí thư Đảng ủy, các đồng chí trong thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ các ban ngành đoàn thể thị trấn Dùng; cùng đông đảo nhân dân và du khách.
14
21
(Các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách về dự lễ)
Đền Cả xã Thanh Đồng cũ (nay là thị trấn Dùng) được nhân dân lập nên để thờ thần Cao Sơn Cao Các, do không có tài liệu nào chép lại nên cũng không ai biết được chính xác Đền Cả được xây dựng năm nào vào triều đại nào. Theo tương truyền, cũng như lời kể của các bậc cao niên và những dấu tích còn lưu lại tại Đền thì Đền Cả đã có từ rất lâu đời; vị trí địa lý của đền được chọn theo thuyết phong thuỷ, phía trước Đền là hồ nước trong xanh đồng lúa tươi tốt bốn mùa, phía sau xa có núi Bạch Sơn che chắn những cơn gió độc, vì thế tạo cho vị trí của đền giao thoa giữa trời đất, sông núi, nên đã tạo cho Đền một không gian thoáng, nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng của chốn đền đài, miếu mạo.
22
(Khuôn viên cả sau khi được phục dựng)
Trong đời sống tâm linh của con người đã từng tồn tại rất nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Trước nhất là các tín ngưỡng, các tục thờ cúng mang tính bản địa hay mang đậm màu sắc bản địa như thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng ở các làng xã, thờ các vị thần linh.... Cao Sơn Cao Các là một trong những vị thần lâu đời và phổ biến nhất của đất Nghệ An. Tương truyền thời kỳ Hồng Bàng, Vua Kinh Dương Vương đã từng định đô tại Ngàn Hống núi Hồng Lĩnh, có vị trí gần dòng Sông Lam, nơi đây cư dân Lạc Việt cổ luôn phải đối phó với giặc dã, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... nhưng đã biết dựa vào núi rừng để chống chọi lại, từ đó rất coi trọng tín ngưỡng thờ cúng thần núi và tôn vinh thần Cao Sơn Cao Các là vị thần tối linh. Ngay từ thuở đầu dựng nước và giữ nước, theo truyền thuyết vùng đất nơi đây từng được Hùng Hiển Vương cắt cử lạc tướng Vũ Lâm về chấn giữ, an yên bờ cõi, giúp dân trồng trọt, chăn nuôi nhờ vậy đã có đời sống ấm no, sau được nhân dân tôn thờ làm vị thần Cao Sơn Cao Các. Việc tín ngưỡng thờ phụng thần Cao Sơn Cao Các, là tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương, vậy có thể nói đức thánh Cao Sơn Cao Các là thiên thần, luôn hiển linh xuống giúp dân, giúp nước. Mỗi khi có giặc ngoại bang xâm lăng lại có anh hùng giúp vua đánh giặc; có dịch bệnh lại xuất hiện thần y cứu giúp dân lành; lúc thái bình thì xuất hiện những bậc thánh hiền yêu nước, thương dân. Đó cũng là truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
1
15
11
(Ban hành lễ tiến hành buổi lễ tế thần)
Tương truyền thần Cao Sơn Cao Các rất linh ứng, dân làng mỗi khi bị bệnh tật, mất tài sản, mất mùa, thiên tai, hạn hán... thường đến Đền cầu thần giúp đỡ. Vì nhiều lần linh ứng nên thần được phong đến ba chữ “Thượng”. Vị hiệu của thần Cao Sơn Cao Các lưu giữ tại đền và sắc phong có nội dung như sau: “Bản cảnh Cao Sơn Cao Các thành hoàng lịch triều sắc phong mỹ tự liệt tôn Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh tôn thần”.
9
(Sắc phong còn lưu giữ tại Đền Cả)
Là một ngôi Đền rất linh thiêng đã hiển linh che chở giúp cho nhân dân trong vùng qua được các cơn đại họa, giữ yên cho các xóm làng, dõi theo mọi sự đổi thay của quê hương, gắn bó trong tiềm thức của lớp lớp thế hệ người dân Thanh Đồng (nay là thị trấn Dùng); Theo lời kể của các bậc cao niên và tương truyền trong nhân dân trước đây Đền có đầy đủ thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, cổng thiên thụ và khuôn viên phụ trợ, tuy nhiên trải qua thời gian, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và một phần tác động của còn người nên Đền đã xuống cấp chỉ còn lại dấu tích. Năm 2024 thể theo tâm nguyện của muôn dân trăm họ Cấp ủy, Chính quyền địa phương xã Thanh Đồng cũ đã thống nhất chủ trương thành lập Ban kiến thiết trùng tu tôn tạo Đền Cả và tiến hành kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để trùng tu tôn tạo, hiện nay công trình mới chỉ hoàn thiện bước đầu rất khiêm tốn, còn rất nhiều hạng mục cần phải làm như: Hạ điện, tả vu, hữu vu, sân, khuôn viên và các công trình phụ trợ… Mặc dù vậy cũng đã thể hiện được tâm huyết của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân.
5
6
7
23
(các đại biểu và nhân dân dâng hương tại buổi lễ)
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chung tay hưởng ứng của toàn thể nhân dân, tin tưởng rằng Đền cả sẽ được phục dựng khang trang, sạch đẹp trở thành nơi sinh hoạt tin ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách, ngưỡng mong đức thánh Cao Sơn Cao Các phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc, học hành đỗ đạt “cầu phúc đắc phúc, cầu lộc đắc lộc, cầu vinh đắc vinh, cầu khoa đắc khoa, cầu bình an đắc bình an”!

Tác giả bài viết: VÕ HIỆP

Nguồn tin: UBND thị trấn Dùng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây