Website Thị trấn Dùng- Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An

https://thitrandung.thanhchuong.nghean.gov.vn


Sáp nhập toàn bộ xã Đại Đồng, xã Thanh Phong, xã Đồng Văn, xã Thanh Ngọc và thị trấn Dùng để thành lập xã mới với tên gọi xã Đại Đồng!

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp sáp nhập, tinh gọn đơn vị hành chính, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, huyện Thanh Chương sẽ tiến hành sắp xếp 29 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn hiện nay thành 9 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Sáp nhập toàn bộ xã Đại Đồng, xã Thanh Phong, xã Đồng Văn, xã Thanh Ngọc và thị trấn Dùng để thành lập xã mới với tên gọi xã Đại Đồng!
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025, Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp và các văn bản chỉ đạo triển khai của các cấp triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Thanh Chương đã dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
z6521061057508 837269c99e0e8e0cd44ba092145f563b
(Dự kiến phương án sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thanh Chương)
Kế thừa lịch sử và sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội của xã Đại Đồng, xã Thanh Phong, xã Đồng Văn, xã Thanh Ngọc và Thị trấn Dùng, việc sáp nhập 5 đơn vị hành chính để thành lập xã mới mang tên xã Đại Đồng là một tất yếu, phù hợp với tình hình hiện nay. Sáp nhập để mở rộng không gian tạo dư địa lớn để đầu tư cho sự phát triển; sáp nhập để đảm bảo quy mô về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định; sáp nhập để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, năng lực quản lý điều hành đội ngũ cán bộ công chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Là bước chuẩn bị mới, để tiến tới chuyển giao phân cấp, phân quyền cao hơn cho chính quyền cấp xã sau khi kết thúc hoạt động của cấp huyện.
Theo đó: xã Đại Đồng mới, được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ xã Đại Đồng với diện tích tự nhiên là 15,88 km2, quy mô dân số là 15.659 người; toàn bộ xã Thanh Phong với diện tích tự nhiên là 15,31 km2, quy mô dân số là 9.204 người; toàn bộ xã Đồng Văn với diện tích tự nhiên là 7,99 km2, quy mô dân số là 8.204 người; toàn bộ xã Thanh Ngọc với diện tích tự nhiên là 18,85 km2, quy mô dân số là 6.021 người và thị trấn Dùng với diện tích tự nhiên là 19,85 km2, quy mô dân số là 23.529 người.
z6521061044673 ed446b920fa24310b09bacded0985983
(Bản đồ địa giới hành chính các xã thuộc huyện Thanh Chương sau sáp nhập)
Sau khi thành lập, xã Đại Đồng mới có diện tích tự nhiên 77,87 km2, quy mô dân số 62.617 người. Trụ sở trung tâm làm việc của xã Đại Đồng mới được đặt tại trụ sở UBND huyện Thanh Chương hiện nay, xã Đại Đồng sau sáp nhập có vị trí tiếp giáp: Phía Đông giáp xã Đô Lương V (huyện Đô Lương); Phía Nam giáp xã: Xuân Lâm và Hoa Quân; Phía Tây giáp xã Tam Đồng và Hoa Quân; Phía Bắc giáp xã Đô Lương V (huyện Đô Lương). Việc đặt tên xã mới là “Đại Đồng” là rất phù hợp vừa dựa trên yêu tố lịch sử văn hóa vừa khơi dậy được tinh thần, khát vọng vươn lên của một vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời.
Theo dòng lịch sử trở về với thời kỳ sơ khai, dưới các triều đại phong kiến “Đại Đồng” là tên gọi một tổng thuộc huyện Thanh Chương, nằm ở tả ngạn Sông Lam, là vùng đất trù phú có nền văn hóa lâu đời, nơi các nhà khảo cổ học đã khai quật, nghiên cứu và phát hiện dấu tích của người Việt cổ tại Đồi Dùng (thuộc thị trấn Dùng ngày nay) và Đồi Rạng (thuộc xã Đại Đồng ngày nay). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 148–SL ngày 25/3/1948 về việc bãi bỏ cấp Tổng (trên xã), cấp Phủ, nên địa bàn này được chia tách thành các xã Đại Đồng, Đồng Văn, Thanh Ngọc… dù địa giới hành chính được phân chia, thay đổi, nhưng mạch nguồn, bản sắc văn hóa, bản lĩnh và khí chất của con người nơi đây vẫn được giữ gìn và bồi đắp qua bao thế hệ. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính cấp xã hiện nay việc sáp nhập các xã Đại Đồng, Thanh Phong, Đồng Văn, Thanh Ngọc và thị trấn Dùng và đặt tên xã mới là “Đại Đồng” là một tất yếu, vừa tôn trọng lịch sử vừa phù hợp với thực tiễn hiện nay, khơi dậy ký ức công đồng, kết nối lịch sử qua bề dày truyền thống lâu đời, tiếp nối hiện tại vươn tới tương lai với với tinh thần đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, đồng hành để xây dựng một xã Đại Đồng phát triển về mọi mặt, tạo thế và lực mới, sẵn sàng chuyển mình vươn lên trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
z6521061057819 dc2f9f11aba78b2284ee7064c0cd49ee
(Quang cảnh trung tâm huyện Thanh Chương) 
Việc sáp nhập các xã Đại Đồng, Thanh Phong, Thanh Ngọc, Đồng Văn và thị trấn Dùng hiện nay đề thành lập mới xã Đại Đồng không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính mà là sự chuẩn bị mới phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tạo dư địa lớn để đầu tư phát triển đồng bộ. Vì vậy thiết nghĩ mỗi người dân cần có một góc nhìn tổng quan, vượt qua tâm lý vùng miền khi sáp nhập, với quan điểm “Đất nước là Quê hương” để mỗi chúng ta đều ủng hộ chủ trương, thống nhất về tên gọi xã Đại Đồng sau sáp nhập, tiếp tục nỗ lực, cống hiến sức mình để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai không xa, xã Đại Đồng sẽ bứt phá vươn lên, khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới, khi những nguồn sức mạnh lớn của một vùng đất được hồi sinh với tên gọi “Đại Đồng” đã gắn trọn trong tâm trí của biết bao thế hệ người dân, với niềm tin, chí hướng lớn để cùng nhau làm việc lớn, Đại Đồng sẽ sớm trở thành vùng quê “Giàu mạnh, văn minh, nghĩa tình, kiểu mẫu và đáng sống”./.

Tác giả bài viết: VÕ HIỆP

Nguồn tin: UBND thị trấn Dùng:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây